CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DÒNG HỌ MAI THÔN CAO LÃM
anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon
1 2 3

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Thông báo số: 03/TB/TT-NC&CNP về việc nghiên cứu chắp nối phả


HỌ MAI CAO LÃM
--------------

Số: 03TB/TT-NC&CNP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------ o o o ------------

                          Cao Lãm, ngày 25   tháng 3 năm 2012                             
THÔNG BÁO

V/v: Kết thúc bước 1 Nghiên cứu chắp nối tộc phả
Xem thêm:
                >>>  Thông báo số 01/TB/TT-NC&CNP
                >>>  Thông báo số 02/TB/TT-NC&CNP
               
-         Thực hiện NQ của hội nghị toàn thể họ Mai nhân ngày giỗ Tổ 18 tháng hai năm Tân Mão, tức ngày 22 tháng 3 năm 2011 tại nhà thờ Đại tôn ở thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, có đại diện của hầu hết các Chi nội ngoại hương của họ (Chi 2 không cử người đến dự).
-         Để từng bước thống nhất giải quyết một số vướng mắc về thế thứ giữa Chi trưởng và một số người thuộc Chi 2 nội hương; tiến tới viết tiếp nối cuốn phả của toàn họ, trước mắt lập được phả đồ của từng Chi, chắp nối phả đồ trong toàn họ trong thời gian sớm nhất.
                     Hội nghị đã cử ra Ban nghiên cứu và chắp nối phả có đầy đủ đại diện của tất cả các Chi trong toàn họ (Chi 2 nội hương không cử người tham gia) và cử ra Ban Thường trực. Danh sách các Ban này đã được ghi đầy đủ trong Thông báo số 01 ngày 15 – 5 – 2011 do Trưởng ban: Cụ Mai Lượng – đời thứ 13 – ký. Nội dung bao gồm việc lập kế hoạch và quy trình thực hiện việc thu thập tài liệu, nghiên cứu chắp nối phả.
                        Tiếp theo ngày 12 tháng 12 năm 2011, Thường trực của Ban NC&CNP đã ra Thông báo số 02 gửi đến các Chi (riêng Chi 2 đã mang Thông báo trả lại Trưởng ban) với nội dung thông tin về số tài liệu hiện có, những phát hiện ban đầu, đồng thời nêu ra những quan điểm chủ đạo về công việc nghiên cứu, chắp nối.
                        Sau một năm, Ban Thường trực NC & CNP đã làm việc với tấm lòng tâm huyết đáng trân trọng, nghiêm túc, khách quan; phân tích kỹ lưỡng, tỉ mỷ, khoa học từng dữ kiện trong các tư liệu và đi đến thống nhất kết thúc bước 1 về công tác này bằng Thông báo số 03TB/TT-NC & CNP dưới đây. Thông báo này được gửi tới tất cả các thành viên trong toàn họ Mai nội ngoại hương.
 
Phần thứ nhất

ĐẶT VẤN ĐỀ

I. TÌNH HÌNH:

1.        DIỄN BIẾN:

                  Sau sự kiện ngày mồng 9 tháng giêng năm Nhâm Dần tức ngày 13 – 2 – 1962  (sẽ nói rõ ở phần sau), trong họ Mai ở nội hương bắt đầu xuất hiện việc không thống nhất về thế thứ giữa Chi trưởng và Chi 2. Thời gian đầu, sự thắc mắc nghi ngờ mới chỉ trong vài người, sau dần dần lan rộng ra. Nằm trong thời kỳ bao cấp, mọi hoạt động tín ngưỡng hầu như bị cấm. Hầu hết đàn ông  trong làng Cao Lãm đều đi thoát ly... Do quá khó khăn về đời sống vật chất và xu thế xã hội nên ít người quan tâm đến việc họ hàng. Ngay trong các gia đình, việc tổ chức giỗ chạp cũng rất hạn chế. Ngày 18 tháng 02 âm lịch năm 1967, họ Mai tổ chức giỗ Tổ tại nhà thờ Đại tôn với thành phần tương đối đầy đủ thành viên trong nội hương. Cũng tại ngày giỗ này bắt đầu hiện tượng tuyên truyền về thế thứ... Để giải quyết sớm việc không thống nhất này, họ đã tổ chức một số cuộc họp, nhưng không thành công.
                 Sau đó 15 năm, cuộc họp họ có đại diện các Chi trong nội hương và một số Chi ngoại hương như Trần Đăng, Thượng Lâm, Dân Hòa, Đồng Tâm tại nhà thờ Đại tôn do Cụ Mai Lượng chủ trì ngày mồng 10 tháng 3 năm Nhâm Thân tức ngày 12 – 4 - 1992 với mục đích nhằm thống nhất giải quyết một số vướng mắc về thế thứ đã diễn ra từ 1963 đến thời điểm họp (1992).
                Tài liệu đưa ra đối chiếu tranh luận gồm có: cuốn phả thứ nhất do Cụ Mai Ngọc Viện – đời 12 - chắp nối và viết tiếp năm 1922 (lúc Cụ viết ở tuổi 50). Cuốn phả thứ 2 do Cụ Mai Thiện Thuật – đời 12 - chắp nối, dịch ra chữ Quốc ngữ và viết tiếp năm 1926 (lúc Cụ viết ở tuổi 20) và cuốn phả thứ 3 cũng do Cụ Thuật viết và Cụ Uyên đánh máy bằng chữ Quốc ngữ năm 1963.
                Vì còn có bất đồng và một vài lý do khách quan khác, hội nghị đã không đưa ra được kết luận nào. Từ ngày đó về sau, mấy cuộc họp định tổ chức nhưng đều không thành và sự chưa thống nhất ngày càng thêm trầm trọng, tính đến năm nay (2012) vừa tròn 20 năm.

2.        THỰC TRẠNG:

                  Từ sự chưa thống nhất ấy, những hoạt động, những việc làm thiếu sự nhường nhịn thông cảm, thiếu sự hiểu biết lẫn nhau, thiếu tính xây dựng, cá biệt còn tìm nhiều cách để bài xích, nói xấu nhau, bảo về quan điểm của mình.... vô tình đã làm cho tình hình mất đoàn kết ngày càng nghiêm trọng. Hiện tượng sáng tác, phát tán các tài liệu, sơ đồ thế thứ - lấy danh nghĩa Tổ Tiên để lại - một cách tùy tiện, không được tập thể của họ giao. Có người: trưởng gia chẳng phải, trưởng Chi cũng không, nhưng đã làm một số việc vượt quá quyền hạn của mình, thậm chí thao túng... lấy danh nghĩa tập thể Chi ra liền mấy nghị quyết, nói xấu, xúc phạm lăng mạ nhau, gọi nhau bằng những từ ngữ quá thô thiển giống trẻ chăn trâu...lợi dụng, khoét sâu chỗ còn khuyết và nhầm lẫn trong phả, hướng dư luận theo một hướng khác, làm méo mó sự thật, xếp thế thứ chi khác một cách tùy tiện, xộc xệch, châm ngòi cho những mâu mắc thêm sâu sắc. Cũng lại có người chưa từng một lần nhìn thấy chữ nào trong phả, câu nói cửa miệng của họ lại lớn tiếng rằng: do phả Tổ tiên để lại....Tất cả những hiện tượng trên dẫn tới việc không hợp tác giữa Chi trưởng và Chi 2 về nhiều việc trong họ, điển hình là việc hiếu hỷ; ví như việc tang người thân nhà mình, phái mình thì tập thể, cá nhân Chi khác đến thăm viếng, nhưng đến việc của người thuộc Chi vừa đến thì lại lảng tránh. Nhiều người nói nhớ ơn cội nguồn, họ là phải có hàng nhưng mấy chục năm nay không về nhà thờ lễ Tổ, tuy năm nào trưởng họ cũng có giấy mời hoặc thông báo. Có người có hành vi, lời nói thiếu tôn trọng các Cụ đời thứ 13 là chú, là ông mình..v...v... Người ta đưa ra những giả định tưởng tượng, những lý do không có tính thuyết phục, thậm chí đặt tối hậu thư có tính áp đặt rằng: Nếu ông trưởng Canh nhận mình là đời thứ 15 thì họ sẽ đến nhà thờ!? hoặc giả có trường hợp còn nói và viết sai cả sự thật lịch sử không hề có hàng trăm năm nay như việc lập lai lịch di tích nhà thờ tiến sĩ Mai Danh Tông chẳng hạn. Diễn biến tình hình trên đến thời điểm này là quá phức tạp không thể để mãi như thế được.
             Cũng phải nói thêm rằng: Thời điểm hiện nay, hầu như họ nào trong làng, xã thậm chí nhiều nơi tuy ở các mức độ khác nhau cũng đều xẩy ra việc tranh luận ngôi thứ. Ngoài nguyên nhân các tài liệu ngày xưa để lại ít, lại có sự chênh lệch nhau giữa gia đình này, chi này với gia đình khác, chi khác do lịch sử để lại; còn có một nguyên nhân không thể loại trừ là người viết phả lẳng lặng tự mình viết đã đưa ý kiến chủ quan “cái tôi” của mình vào. Song nhiều họ vẫn tạm thời gác lại việc vênh nhau ấy, vẫn quan hệ với nhau trên tinh thần  anh em cùng một nguồn cội. Ngày giỗ Tổ, người ta vẫn kính cẩn tỏ lòng thành chiêm bái Tổ tiên. Riêng họ Mai thì không.

3.        SỰ CẤP BÁCH:

           Ông cha ta có câu:
                                                Khôn ngoan đối đáp người ngoài
                                              Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
                   Cho nên hơn lúc nào hết, cần phải tháo gỡ sớm. Đây là nỗi bức xúc, là nguyện vọng khẩn thiết của toàn thể các thành viên, các tầng lớp trong họ Mai, cả nội ngoại hương.
                    Cũng nên nhắc lại rằng: Việc trong họ có mâu thuẫn cũng không phải bây giờ mới phát sinh, mà ngay từ cuối thế kỷ IXX (1898) đã có lần xẩy ra rồi. Sự kiện ngày 18 tháng 02 Nhâm Dần là đỉnh điểm (sẽ được nói đến ở phần cuối Thông báo này)

II. NGUYÊN TẮC & QUAN ĐIỂM CHUNG:

            1. PHẢ PHẢI ĐƯỢC THỂ HIỆN BẰNG VĂN:

               Phả là cuốn sách ghi lại toàn bộ thân thế, sự nghiệp của những người các thế hệ trước của một tập thể (tộc phả, gia phả..) để những người đời sau, ngoài việc biết và hiểu được Tổ Tiên của mình để học tập, phát huy và noi theo; đồng thời biết được quan hệ chú bác, cô dì, anh chị em ruột thịt cùng huyết thống của mình. Vì vậy, phả phải được thể hiện bằng lời văn là chính. Sơ đồ thế thứ (gọi tắt là phả đồ) chỉ là một phần nhỏ, đặc trưng cho việc tóm tắt ngôi thứ mà thôi.

2.      PHẢ LÀ CÔNG TRÌNH CỦA TẬP THỂ:

                Nhà Nho học Tân Việt – người giỏi chữ Hán vào hàng bậc nhất Việt Nam, suốt cuộc đời làm việc ở Viện Hán nôm và NXB Văn hóa dân tộc – tên thật của Cụ là Lê Văn Duyệt đã từng nói và viết ở nhiều cuốn sách - trong đó có cuốn hướng dẫn viết phả - rằng: “Bất cứ một cá nhân nào dù có tài cao hiểu rộng đến mấy cũng không thể nào tự mình viết phả được...”. Từ đó suy ra: phả nói chung phải là công trình của tập thể, người phải có tâm huyết, có đức, công tâm và có trình độ hiểu biết về xã hội nhất định, có uy tín trong họ mới được tập thể giao nhiệm vụ, được tập thể bổ sung, góp ý và duyệt... Có như vậy mới giảm bớt đến mức thấp nhất những sai sót về dữ kiện, về tính khách quan trong tìm hiểu, điều tra, tập hợp. Hành văn phải đơn giản, dễ hiểu, không đa nghĩa, đạt đến độ chính xác cao.                                                       
         
3.      LẬP PHẢ ĐỒ TỪ GIA ĐÌNH... ĐẾN CHI:

                  Từ khi viết phả  thành văn đến khi lập phả đồ phải thực hiện nguyên tắc từ từng gia đình. Chỉ có từ trong từng gia đình người ta mới biết chính xác nhất ai là trên, ai ngang hàng, ai là dưới, ai sinh ra ai. Người ngoài không thể làm được, nếu có sẽ có sai sót. Sau đó trong phạm vi rộng hơn một chút là phái gồm một số gia đình có huyết thống gần hơn. Người đứng đầu một gia đình này so với người đứng đầu gia đình khác trong cùng một phái quan hệ với nhau thế nào sẽ được một mối quan hệ chung trong phái đó. Sau phái đến ngành, chi. Toàn họ chỉ việc ráp các Chi với nhau là xong. Nếu làm khác đi , chắc chắn sẽ dẫn tới vênh nhau và mâu thuẫn nảy sinh ngay lập tức.
      
4.       TÊN NGƯỜI:

                     Thời nay, thông thường mỗi người chỉ có một tên gọi lúc khai sinh, nhưng tên đệm có thể khác, khi người đó trưởng thành. Cũng có một số người có thêm vài tên nữa như: bí danh, bút danh... Ngày xưa thời Nho học đang thịnh hành, những người có học, có làm việc công, một người thường có tới vài bốn tên: tên khai sinh, tên thường gọi, tên theo tên người con cả, tên húy, tên tự, tên hiệu, tên thụy... Khi đưa vào phả phải rất cẩn trọng, cần thiết phải nhờ vài người am hiểu tường tận chữ Hán nôm, phân tích để chọn ra một tên thông dụng nhất hoặc ghi một tên rồi chú thích trong ngoặc mấy tên người đó có, để dễ bề cho người đọc đối chiếu. Người được phân công chấp bút phải ghi rõ tên thật của mình, dữ liệu phải ghi lấy ở đâu và phải có ngày tháng năm. Nếu viết lần sau, có dữ liệu khác lần trước thì phải chú thích lý do.

5.      ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CHÍNH:

                   Vì Chi trưởng đã có bản xếp thế thứ của toàn Chi, đã được đại diện các gia đình trong Chi ký, nên người đứng đầu chi trưởng thuộc hàng thứ mấy so với người đứng đầu ở chi khác trong họ (cao, bằng vai hay thấp hơn) thì đương nhiên mọi người trong Chi trưởng phải theo thế thứ của Chi đã lập. Mặt khác, ông trưởng họ Mai Danh Canh là đối tượng chính mà một số người thuộc Chi 2 chưa thống nhất về vị trí đời thứ 14 của ông, nên trong quá trình nghiên cứu, chắp nối, Ban Thường trực NC & CNP tuy có liên hệ, đối chiếu với các gia đình khác trong Chi nhưng vẫn lấy dòng gia đình ông Canh là đối tượng chủ yếu, từ đó suy ra các gia đình khác cùng trong Chi.

Phần thứ hai

TÀI LIỆU DÙNG CHO NGHIÊN CỨU

                 Thường trực Ban nghiên cứu & chắp nối phả họ lần này, sau khi nhận nhiệm vụ của họ và Toàn Ban giao, Ban thường trực đã tích cực thu thập các tài liệu liên quan, thông báo tới các Chi cung cấp thêm; hiện nay các tài liệu Thường trực đang dùng có:
          1. Cuốn phả của tác giả Mai Hoành Khải được các bề trên giao đã hoàn thành năm Cánh Hưng nguyên niên (1740), đến năm 1767 (sau 28 năm) thì thành sách. Cuốn này viết đến đời thứ 7. Ban NC & CNP chỉ có một số phần trích dịch.
            2. Ban NC& CNP không có cuốn phả 1817 của tác giả Mai Danh Cảnh chắp nối cuốn phả 1740, viết thêm 3 đời từ đời thứ 8 đến đời thứ 10.
            3. Cuốn phả do tác giả Mai Ngọc Viện – chữ Hán – viết năm 1922, lúc đó tác giả 50 tuổi, đã được Viện Hán nôm dịch ra chữ Quốc ngữ. Cuốn này chép nối một phần từ cuốn phả của tác giả Mai Hoành Khải 1740.
            4.  Cuốn phả 1903 – chữ Hán - không có tác giả, Viện Hán nôm dã dịch ra chữ Quốc ngữ.
            5. Cuốn phả 1926 do tác giả Mai Thiện Thuật chép lại cuốn 1740 và nối thêm, đồng thời dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ.
            6. Cuốn phả 1963 cũng do tác giả Mai Thiện Thuật viết lại hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ, Cụ Mai Tuấn Uyên viết lời giới thiệu và đánh máy chữ, đóng thành quyển.
            7. Thứ tự các đời thể hiện bằng văn xuôi năm 1965 cũng của tác giả Mai Thiện Thuật, bản viết tay.
            8. Phó ý gia đình ông Mai Danh Canh.
            9. Sơ đồ thế thứ Chi trưởng có đại diện tất cả các gia đình trong Chi ký năm 1996.
        10. Sơ đồ ông Mai Đức Chính lập, ông Mai Xuân Hội phô tô năm 1992.
        11. Một số tài liệu khác như: Di chúc, ý kiến phát biểu, quan điểm, tâm sự, sơ đồ.... của một số  vị như Cụ Mai Danh Lai, Cụ Mai Tuấn Uyên (đời 13), Cụ Mai Hiển Tích (đời 13), ông Mai Tân (đời 14), ông Mai Xuân Hội (đời 14), ông Mai Xuân Chức (đời 14) ..v...v...

Phần thứ ba

NHỮNG ĐIỂM THIẾU THỐNG NHẤT
 TRONG CÁC TÀI LIỆU

                 Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu các tài liệu hiện có, Thường trực Ban NC & CNP phát hiện thấy có nhiều chỗ không thống nhất giữa các tác giả hoặc ngay trong từng tác giả cũng khác nhau về cùng một sự kiện. Xin kê ra một số chỗ sau đây:
1.      Cùng một tác giả Mai Thiện Thuật:
               - Phái gia đình ông Canh: cuốn 1926 viết đến đời thứ 10 (Cụ Khứ trang 37); 37 năm sau, cuốn 1963 lại chỉ viết đến đời thứ 6 (trang 8 Cụ Hoan), đến cuốn 1965 viết luôn đến đời thứ 15 (ông Canh trang 10)
               - Phái gia đình ông Nhang (tức Hương): cuốn 1926 viết tên đến đời thứ 9 (Cụ Cung trang 34). Cuốn 1963 cũng viết đến đời thứ 9 (trang 8), số người là em hoặc các đời sau chỉ kê  tên mà không xếp thứ tự.. Sau đó đến đời thứ 11 xếp tên Cụ Rấu (Tấu). Cuốn 1965 lại viết đến đời thứ 15, xếp Cụ Rấu (Tấu) tụt xuống 1 đời - ở đời 12.
          2. Trong cuốn 1926 có đến 8 trang chữ Hán không được dịch ra chữ Quốc ngữ (từ trang 70 - 77).
          3. Trong cuốn 1926: Chi 2 được xếp liên tục từ các đời thứ 4 đến đời thứ 7. Các chi khác thì chỉ kê tên (trang 36, 37, 38, 39, 40)
           4. Trong cuốn 1903 (không có tác giả) lại viết người là em, là cháu lên trang trước (Cụ Hoành Vỹ - là em - trang 6-7, trước Cụ Hữu Khánh – là anh), sau đó mới đến Cụ Khánh, Cụ Tông... (trang 8)
           5. Trong cuốn 1926, viết tên 2 Cụ Viện, Cụ Viện đã có tên ở trang 37 rồi. Sang trang 38 lại viết: “.... Mai Danh Tung là em thứ ba tên Viện, không có con giai...”
           6. Một sự sai nghiêm trọng nhất là trong cuốn phả đánh máy năm 1963, trang 17, dòng thứ 15 từ dưới lên được chép như sau: “.... Mai Luận sinh Mai Phúc Nghĩa, Mai Quang Đức tức Chức....”. Viết như thế có nghĩa là các vị có tên là Nghĩa, Đức, Chức là cùng một hàng ngang (bằng vai nhau?). Phải nói rõ ra rằng: sinh thời tác giả thường xuyên gặp Cụ Mai Phú Nghĩa tại nhà Cụ Nghĩa vì hai Cụ còn là bạn nho học cùng nhau, Cụ cũng biết ông Chức là con Cụ Nghĩa; Năm 1965 ông Chức đã 25 tuổi, tác giả còn viết chữ Hán trên thanh nóc nhà và trên hai thanh câu đầu khi ông Chức dựng nhà, mà lại có sự nhầm lẫn đáng tiếc vậy sao? Viết như vậy là xếp ông Mai Quang Đức và Mai Xuân Chức đời thứ 13, cùng hàng với bố đẻ ra mình! Còn nữa: Mai Quang Đức là anh ruột Mai Xuân Chức chứ không phải Đức và Chức chỉ là một người.
          7. Trong phần mở đầu viện dẫn lời tựa cuốn phả đầu tiên, các tài liệu đã viết khác nhau  về thời điểm ra đời của nó: Có tài liệu ghi là Cảnh hưng nguyên niên (1740); có tài liệu lại ghi là Cảnh hưng năm thứ hai (1741).
          8. Trường hợp chí có 1 người mà viết đến mấy tên: Chi trưởng viết Cụ Cảm, cuốn 1963 viết là Cụ Cổm, cuốn 1965 viết là Cụ Cỗm, ông Chính viết 1992 là Cụ Cỡm.
          9. Cụ Chòi?
        10........

                      Những dữ kiện không thống nhất chính kê ra trên đây nói lên một điều đã được khẳng định: viết phả một mình mà không thông qua tập thể, thiếu thận trọng, không điều tra  kỹ lưỡng thì sai sót tất yếu sẽ xẩy ra; và tác giả cũng đã phải viết ra trong cuốn 1926 rằng:
“... Hiềm vì chi ấy (ý nói Chi trưởng), 2, 3 đời nay không ai biên chép gì, bây giờ không rõ ra được, hỏi những người già cả cũng chỉ hồ đồ không ai biết thế nào, thành ra không rõ ai là trên ai là dưới. Tiếc thay, nay xin đem những người bây giờ ghi vào trong phả... Chỗ này cũng coi như một thời khuyết sử của nhà làm sử vậy”.  Thực tế trước đó  4 năm (1922), Cụ Mai Ngọc Viện đã viết về gia đình nhà Cụ - thuộc Chi trưởng - rồi.

Phần thứ tư

SUY NGHĨ, CẢM NHẬN VỀ CÁC TÀI LIỆU

                Trong số các tài liệu mà Ban nghiên cứu và chắp nối phả thu thập được khá nhiều.  Ban Thường trực đã nhiều buổi làm việc tập thể và thống nhất rằng: Hầu hết các tác giả đều có tâm huyết vì mục đích chung xây dựng truyền thống của họ mà bỏ công sức, tiền bạc của riêng mình ra để viết; đó là tài sản quý báu vô giá của cả họ để lại cho các đời sau. Nhờ có các tài liệu trên, ngày nay con cháu mới có điều kiện để biết và hiểu về Tổ Tiên, ông cha giòng dõi nhà mình.
                Tuy nhiên, khi thực hiện, do khả năng trình độ, do tâm lý, do hoàn cảnh chủ quan, khách quan và các yếu tố gia đình, xã hội khác nhau đã tác động.... dẫn đến việc người viết không thể không phạm sai sót trong quy trình cũng như những hạn chế kỹ thuật (ví như đọc chữ Hán, một Cụ có nhiều tên, vì không cùng thời nên không biết chọn tên nào?) gây hậu quả đáng tiếc cho đời sau; làm cho đời sau lạc hướng, mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, thậm chí hiểu sai, sinh ra tranh luận, cãi vã dẫn đến việc chia rẽ mất đoàn kết...v...v...
                Với tinh thần cầu thị, tôn trọng lịch sử, cân nhắc cẩn trọng, phân tích khoa học, tôn trọng khách quan và với tinh thần trách nhiệm cao được họ giao; Ban NC & CNP xin vô phép, mạnh dạn có một số suy nghĩ cảm nhận về các tài liệu của họ đã thu thập được dưới đây:

1.      CUỐN PHẢ 1740: “MAI GIA THẾ KỶ TỰ

                 Đây là cuốn phả đầu tiên của toàn họ Mai do Cụ đời thứ 7: Mai Hoành Khải hiệu Văn Giác tiên sinh – nhận chủ trương của các bậc tôn trưởng – “hoàn thành năm Cảnh hưng nguyên niên – 1740, 28 năm sau – 1767 – thì thành sách”. Cuốn phả được tiến sĩ Mai Danh Tông – hàn lâm viện, tước Sơn hầu, duyệt và phê: “Chép đúng sự thật”. Đây thực sự là cuốn tộc phả của Tổ tiên để lại. Ngoài phần “Lời tựa” viết khúc triết, dễ hiểu, khiêm tốn  và chặt chẽ ra, còn nêu lên một số nguyên tắc cơ bản khi viết phả. Cuốn phả này viết từ Cụ Thủy tổ (đời thứ nhất) đến các Cụ đời thứ 7. Sự chính xác được minh chứng là thế thứ từ đời thứ nhất đến đời thứ 7, các cuốn phả chép lại sau này, quan hệ thế thứ giữa các chi hoàn toàn thống nhất cả về tên người cũng như thứ tự trên dưới rõ ràng.

2.      CUỐN PHẢ 1817:

               Đây là cuốn phả của tác giả Mai Danh Cảnh. Cụ là người thuộc đời thứ 9. Cuốn phả này viết tiếp 3 đời chắp với cuốn 1740 từ đời thứ 8 đến đời thứ 10. Đây cũng là cuốn tộc phả của Tổ Tiên để lại. Cuốn này viết bằng chữ Hán chưa dịch toàn bộ ra chữ Quốc ngữ.
               Từ đời thứ 10 (cuốn phả này viết) trở về đời thứ nhất là thống nhất tên gọi, thế thứ trong toàn họ. Các tài liệu sau này đều lấy đó làm căn cứ để xếp thế thứ trên phả đồ.

3.      CUỐN 1903:  “MAI GIA PHẢ HỆ”

                  Cuốn này viết chữ Hán, ông Mai Xuân Hội thuê dịch ra chữ Quốc ngữ. Cuốn phả này chưa phải là tộc phả, có chăng chỉ có giá trị trong phạm vi gia đình vì không có tác giả (khác nào thư nặc danh), nội dung sao chép không đầy đủ. Đầu cuốn sách lại viện dẫn cuốn phả năm Cảnh hưng nguyên niên 26 – 02 năm 1740 của Cụ Mai Hoành Khải, đổi ra thành Cảnh hưng thứ 2 ngày 15 tháng giêng năm 1741! Tên các Cụ chỉ đến đời thứ 8. Thứ tự các đời chưa chuẩn: em là Cụ Mai Hoành Vỹ, cháu là Cụ Hoành Khải, Hoành Vũ đứng trước Cụ Mai Hữu Khánh. Thậm chí bỏ Cụ Mai Hoành Nghi là em trai Cụ Khải và Cụ Vũ không viết vào.
                  Tóm lại do có nhiều thiếu sót, không đầy đủ và mới chỉ sao chép gần đây, không thể coi cuốn phả năm 1903 là phả của họ Mai do Tổ tiên để lại được.
          
4.      CUỐN 1922: “TRÍCH LỤC GIA PHẢ HỌ MAI”

                Cuốn này do Cụ Mai Ngọc Viện viết năm 1922 bằng chữ Hán, đã được Viện Hán nôm dịch ra chữ Quốc ngữ. Nội dung có 2 phần: Phần một “Tiền biên” là chép toàn văn “Lời tựa” và một phần của cuốn 1740 gồm các Cụ từ đời thứ nhất đến đời thứ thứ 3 (Cụ Dụng), Phần thứ 2 “Hậu biên”, Cụ viết riêng gia đình nhà Cụ đến đời thứ 12 (chính là Cụ Viện). Trong phần chép lại các đời, Cụ có chép 2 tiến sĩ Mai Danh Tông và Mai Trọng Tương ở đời thứ 7.
                Cuốn phả này cũng chỉ là cuốn phả của gia đình, chứ chưa đạt đến tầm là tộc phả     
5.      CUỐN 1926: “GIA PHẢ HỌ MAI”

                Cuốn “Gia phả họ Mai” do Cụ Mai Thiện Thuật – đời thứ 12 - chép lại cuốn 1740, dịch ra chữ Quốc ngữ và nối tiếp các đời sau. Chỗ thì tới đời 9 (gia đình Cụ Viện), chỗ thì đến đời 10 (gia đình ông Canh), số gia đình còn lại hầu hết là đến đời thứ 13. Chi trưởng Cụ viết sơ sài, chủ yếu là kê tên, Cụ viết: “... hỏi những người già cả cũng chỉ hồ đồ không ai biết thế nào, thành ra không rõ ai là trên ai là dưới, tiêc thay, nay đem những người bây giờ ghi vào trong phả.... chỗ này cũng coi như một thời kỳ một thời kỳ khuyết sử của nhà làm sử vậy”. Riêng Chi 2, Cụ viết tỉ mỉ hơn.
                Đây là cuốn phả rất quý không chỉ có sự liên tục mà càng quý hơn là đã được dịch ra chữ Quốc ngữ, tạo thuận lợi cho đời sau không mất công dịch. Cuốn phả này viết từ đời thứ nhất đến đời thứ 10 đúng như cuốn 1740 và 1817 của Cụ Mai Hoành Khải và Mai Danh Cảnh, Các đời thống nhất trong toàn họ, không xẩy ra thắc mắc gì. Tuy vậy, cuốn này có giá trị như phả của một Chi cứ chưa đến tầm là tộc phả vì không đầy đủ, thiếu độ chính xác như chính Cụ đã thừa nhận. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là tuy Cụ có tâm huyết đấy, nhưng lại tự viết một mình, phát hành không rộng, không cho Chi trưởng biết, trong khi thời điểm ấy, chi trưởng có nhiều người được học hành và làm việc công. Gía như lúc ấy Cụ có sự liên hệ với Cụ Viện ở Chi trưởng thì khiếm khuyết này chắc chắn không xẩy ra. Sự không hiểu tường tận này dẫn thiếu tự tin và hậu quả là đến cuốn 1963 và 1965 cũng do Cụ viết có dữ kiện lại vênh nhau.

6.      CUỐN PHẢ 1963:

                Cuốn phả này viết hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ (được đánh máy bằng máy chữ kê giấy than ngày xưa). Cụ Thuật viết, Cụ Mai Tuấn Uyên – đời thứ 13 – viết lời giới thiệu và đánh máy ra một số bản ngày 01 tháng 10 năm 1964. Chi trưởng viết đến đời thứ 6, phái gia đình ông Canh bỏ trống mấy đời, rồi xếp Cụ Cổm vào đời thứ 12 (trang 8) tụt xuống một đời so với thế thứ của Chi trưởng. Phái gia đình ông Nhang viết đến đời thứ 6, bỏ trống mấy đời, rồi xếp Cụ Rấu (trang 10) - cũng có tài liệu viết là Tấu - vào đời thứ 11 (trùng với thế thứ của phả Cụ Viện và Chi trưởng). Chi 2 được viết liên tục đến đời thứ 14, 15.
               Gia đình ông Mai Xuân Chức như đã nói ở trên, cuốn phả 1963 đã xếp sai nghiêm trọng: hai anh em ông Chức “dồn” vào một người và nâng lên một đời bằng bố đẻ. (trang 17, dòng 15 từ dưới lên)
               Cuối trang 8, phả lại viết y hệt như cuốn 1926: “.... chi trưởng, vì 2, 3 đời gần đây không ai ghi chép, thành ra khó tra cứu... Mới đây phải hỏi dò các cụ lão mạo truyền khẩu cho những thế thứ của các phái để chép kê sau này”. Viết phả mà thiếu trách nhiệm, cẩu thả đến mức này thì không còn gì để nói. Đây cũng không phải là tộc phả, càng không phải là của Tổ tiên để lại vì không chỉ có những sai sót quá sai sự thật mà còn mắc lại lỗi lầm như cuốn 1926. Một sai lầm mà bất cứ người nào không cần phải có trình độ gì lắm cũng dễ nhận ra.

7.      PHẢ ĐỒ 1965 :

               Phả đồ được diễn đạt bằng văn xuôi, chữ Quốc ngữ năm 1965 cũng do Cụ Thuật dựng. Phái gia đình ông Canh xếp ông Canh đời thứ 15. Riêng đến đời thứ 10, các tên người trùng với sự xếp thế thứ của Chi trưởng. Phái gia đình ông Nhang, các tên người chỉ trùng với phả Cụ Viện đến đời thứ 6. Từ đời thứ 7 trở xuống có nhiều tên khác với phả Cụ Viện. Tiếp đến Cụ Rấu: cuốn 1963 xếp đời thứ 11, cuốn này lại xếp tụt xuống đời thứ 12.
                Đây cũng chưa phải là tộc phả, lại càng không không phải là phả do Tổ tiên để lại.

8.      PHÓ Ý CỦA GIA ĐÌNH ÔNG CANH:

               Bản viết tay, không chỉ viết tên các Cụ theo thứ tự như các Cụ Cảm, Cam, Bởm, Cứ, Khứ... mà phó ý này còn viết cả lời khấn dùng cho các dịp giỗ chạp và chỉ trong phạm vi gia đình.
9.      PHẢ ĐỒ TOÀN CHI TRƯỞNG:

              Tờ phả đồ Chi trưởng được đại diện các gia đình trong Chi trưởng cùng nhau lập và ký tên. Đây là sự thống nhất trong Chi trưởng về thế thứ giữa các phái với nhau căn cứ vào tài liệu các đời trước để lại và quan hệ trong gia đình đã tồn tại từ nhiều đời trong chi. Là phả đồ của Chi, nên các Chi khác cần tôn trọng. 

10.   SƠ ĐỒ ÔNG MAI ĐỨC CHÍNH LẬP:   

              Ông Mai Đức Chính (đời thứ 14) tự mình lập phả đồ cho chi trưởng, bản viết tay năm 1992, ông Mai Xuân Hội mang đi Hà Đông phô tô và ký tên. Căn cứ vào thế thứ và tên người mà ông Chính viết thì chắc chắn ông đã sao chép từ phả đồ diễn giải bằng văn của Cụ Thuật năm 1965.
       
11.  MỘT SỐ TÀI LIỆU KHÁC:

               Mốt số tài liệu khác là Di chúc, những lời phát biểu, những tâm sự, những phát hiện.... tỏ rõ quan điểm, nỗi bức xúc của mình. Thường trực Ban NC & CNP đều đã đọc, nghiên cứu, phân tích kỹ và được chuyển tải vào  nội dung các phần của thông báo hoặc chỉ tham khảo.

Phần thứ năm

 VƯỚNG MẮC CHÍNH Ở ĐỜI THỨ 11

              Qua các phần nêu ra ở trên, chúng ta phát hiện và đã tìm ra được  vướng mắc chính. Từ vướng mắc này tạo nên quan điểm khác xa nhau dẫn tới việc không thể thống nhất được, có nguy cơ lập nên một họ Mai thứ 2 ở nội hương.

                                         Những vướng mắc đó là:

  1. Khởi sự và tập trung tất cả đều nẩy sinh từ đời thứ 11:

a. Phái gia đình ông Canh:
              - Cuốn 1926 không có tên Cụ nào.
              - Cuốn 1903, 1963 cũng không.
              - Đến cuốn 1965 lại xuất hiện người tên là Chiến. Trong các tài liệu của Chi trưởng
                 Không hề thấy có Cụ nào mang tên Chiến. Trong bài khấn giỗ của gia đình ông                  
                 Canh cũng không  có Cụ nào tên là Chiến, mà chỉ có Cụ tên là Cảm. Như vậy
                 người có tên là Chiến là người mới được đưa vào (như trên trời vừa mới rơi xuống vậy).

                        Vậy Cụ đời thứ 11 thuộc gia đình ông Canh là Cụ CAM

          b. Phái gia đình ông Nhang:
              - Cuốn 1926 không viết tên Cụ nào. Cuốn 1903 cũng không.
              - Cuốn 1963 viết Cụ Rấu.
              - Cuốn 1922 của Cụ Viện viết Cụ Rấu ở vị trí đời thứ 11.
                           Như vậy là Cụ Thuật xếp Cụ Rấu ở đời thứ 11 đã trùng khớp với phả Cụ
                Viện và phả đồ của Chi trưởng rồi, không có gì phải bàn cãi gì nữa. Cũng rất may
                 khi xếp lần 1963 này ít nhất cũng đã có 2 người – Cụ Thuật và Cụ Uyên - nên độ
                 chính xác cao hơn (tuy đến phả đồ 1965 Cụ Thuật lại xếp Cụ  Rấu xuống 1 đời?.
                 Nếu tác giả cứ tiếp tục xếp thứ tự các đời ở các phả đồ tiếp theo như kiểu cuốn sau
                 khác cuốn trước, thì không biết sẽ còn nẩy sinh bao nhiêu sự chênh lệch nữa?)

                          Vậy Cụ đời thứ 11 thuộc gia đình ông Nhang là Cụ RẤU.
          
          2. Nút thắt được gỡ:

                Tên các Cụ trong gia đình nào thì người trong gia đình ấy là biết rõ nhất. Người ngoài cũng có thể biết, nhưng có thể thiếu, chưa chính xác. Con người bình thường, dù có tâm địa đen tối, vô ơn bạc nghĩa đến đâu, không bao giờ lại bỏ tên Tổ tiên ông cha mình đi mà không công nhận, huống hồ với ông Canh, ông Hiên, ông Hằng là những người có học, có địa vị xã hội nhất định lại đi làm việc đó.  
               Tên tự viết vào mà gia đình người ta không có đã là một việc khiên cưỡng; hơn thế các cuốn phả và phả đồ 1926, 1903, 1963, 1965 chưa phải là tộc phả (như phần thứ tư đã phân tích) lại càng không phải là do Tổ tiên để lại (vì vừa mấy năm gần đây thôi mà); Vì vậy viện cớ là Tổ tiên để lại là không thỏa đáng, mang tính áp đặt quá rõ ràng.
           Xẩy tình trạng lâu nay có vướng mắc, không hiểu nhau có thể do các nguyên nhân:
             a. Vì một người ngày xưa có vài bốn cái tên nên dịch từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ đã không rõ các Cụ dùng tên nào là chính để viết vào phả nên xẩy ra nhầm cũng là dễ hiểu.
             b. Người viết phả không có sự liên hệ, không hiểu rõ chi trưởng mà chỉ “hồ đồ, đi dò hỏi...” rồi kê vào, nên không biết chắc chắn thứ tự và tên thật cũng là điều tất nhiên xẩy ra.             
            
                            Như phân tích ở trên, việc gỡ vướng mắc thật là đơn giản. Đời thứ 11 của 2 gia đình đã được xác định. Nút thắt này tháo rồi, các đời sau đã hoàn toàn khớp với thế thứ của Chi 2 xếp giúp Chi trưởng. Các phái còn lại trong Chi và toàn Chi trưởng cứ theo phả đồ của Chi mà chắp nối vào; mặc dù các đời sau Cụ có tên là Cam, cuốn 1963 viết là Cổm, cuốn 1965 là Cỗm, Cỡm hoặc gì gì đi nữa cũng không còn ý nghĩa.

Phần thứ sáuSỰ VIỆC NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT

                Như trên trang đầu đã nói, nay thông tin rõ hơn về một sự việc ít người được biết đến mà lúc đầu mới xẩy ra, người ta thường gọi là “sự kiện năm 1962”, năm  mở đầu cho việc tranh luận thế thứ. Phần này chỉ nhắc lại một chút về lịch sử để mọi người biết, giải thích một vài việc có người chưa rõ, không có liên quan gì đến việc xếp thế thứ trong họ hiện nay.
                Năm 1898, do có sự chưa đồng cảm, đã xẩy ra va chạm giữa một bên là Chi trưởng có người tham gia việc công (Chánh hội). Một bên là Chi 2 có truyền thống nhiều người đỗ đạt, trong đó có 2 tiến sĩ, nên việc lo những ngày tiết lễ của họ Mai đã được họ giao cho Trưởng Chi 5 là gia đình Cụ Đồ Thuận cùng với 1,2 sào ruộng họ (thửa ruộng 9  thước hiện nay ở Cửa Dinh, có một ngôi mộ xây lớn, có 3 chữ Hán “Văn tại ân”do gia đình ông Mai Xuân Chức đang trông nom, và một thửa 6 thước ở cạnh “Tam bảo” đồng Ré). Từ năm này (1898), các gia đình thuộc Chi 5 về sinh hoạt hành chính ở Chi trưởng.
               Hàng năm vào dịp đầu xuân, ngày mồng 3 Tết, cả họ tập trung tại nhà Cụ Đồ Thuận để thắp nhang và thụ lộc “oản trà” (trà ở đây là thứ dung dịch sóng sánh, màu nâu sẫm, được chế biến từ 2 thứ chính là mật và lá trà để chấm oản và xôi, chứ không phải là chè uống nước). Đến ngày mồng 9 (trước hội làng một ngày), những người có chức sắc trong họ như Chánh hội, hương lý, lý hào, cửu phẩm, quản tuần, thông lại, hộ lại.... lại tập trung tại nhà Cụ Đồ, tổ chức lễ Tổ. Cuộc hội ngộ ngày đó tổ chức gọn nhẹ, thành phần chọn lọc (những người không có chức sắc, không được dự). Vật phẩm lễ chỉ có xôi gà, oản trà, rượu chuối, hương hoa. Sau phần thụ lộc đơn giản, mỗi thành viên đến dự được nhận một phần lộc mang về nhà, trong đó có phẩm oản phải được đóng bằng khuôn của họ quy định, có chữ Mai – chữ Hán – được khắc chìm trên núm đáy của khuôn đóng oản. Khi in oản ra sẽ có chữ Mai nổi trên đầu phẩm oản. Kinh phí cho việc này lấy từ hoa lợi của 1,2 sào ruộng họ giao cấy lúa.
               Đến năm 1960, ruộng họ xung vào HTX, tuy vậy, 3 năm sau, nhà Trưởng vẫn lo việc lễ Tổ 2 ngày mồng 3 và mồng 9 chu đáo bằng kinh phí của gia đình mình. Hai người giúp nhà Trưởng các công việc của 2 ngày lễ trên là các Cụ Ngân và Cụ Nhận.
               Chiều mồng 8, Cụ Hương Ngoan – trưởng ban khánh tiết hồi đó –  kiểm tra sự chuẩn bị vật phẩm lễ Tổ của nhà Trưởng. Chiếc gậy ba toong của Cụ thọc vào rổ gà 9 con đã cắt tiết. Không may có con gà chưa chết hẳn đã chạy mất, gây bức xúc cho Cụ bà nhà trưởng. Sang sáng mồng 9, trong quá trình thụ lộc, một thành viên đã “ngà ngà”, không nhớ rằng ruộng của họ đã vào HTX, không còn hoa lợi cho việc họ, nhưng nhà Trưởng vẫn lo chu đáo; nên thành viên đó đã nhắc nhở nhà Trưởng là phẩm oản trong phần mang về đã đóng nhỏ hơn, không đúng với khuôn mà họ quy định. Sự việc này cộng với sự việc gà chạy mất chiều mồng 8 đã làm cho không khí chẳng vui vẻ gì đã xẩy ra. Cũng từ năm đó trở về sau – sau 65 năm Trưởng Chi 5 được lo việc họ - đã không còn tổ chức lễ Tổ ngày mồng 3 và mồng 9 tháng giêng ở nhà Trưởng Chi 5 nữa.
               Sự kiện không thành văn này đã được Cụ Mai Danh Lai ghi rõ trong di chúc của Cụ để lại. Cụ Hương Ngoan trước khi mất đã dặn lại anh em ông Tứ và ông Tâm: nội dung đại ý là gọi “Nhà ông Chức là bác Trưởng”. Cụ Mai Hữu Phương thường được Cụ Thông – là bố - đưa xuống nhà “Anh Nghĩa” (tức là Cụ Mai Phú Nghĩa – cháu nội Cụ trưởng Mai Hữu Thuận) - dự lễ Tổ một số năm.
                Vì câu chuyện trên mà nhiều gia đình gọi gia đình Cụ Mai Hữu Thuận, rồi đến các Cụ Mai Hữu Luận, Mai Phú Nghĩa, bây giờ là ông Mai Xuân Chức là “bác Trưởng”. Đó là sự tôn trọng và tôn vinh theo lễ giáo ngày xưa, vì gia đình đã có công như chức danh là Trưởng, lo công việc của họ và tổ chức giỗ Tổ 65 năm liền. (Cụ Phương, Cụ Lượng, Cụ Uyên, ông Tâm, ông Chất.... hiện nay vẫn xưng hô với ông Chức như vậy. Riêng ông Chức vẫn nhận mình thuộc Chi 5 và vẫn thường nói “Đấy chỉ là sự tôn vinh ”)

Phần thứ bảy:   KẾT LUẬN

                 Sự việc trong họ Mai nội hương Cao Lãm từ khi nhen nhóm một số vấn đề chưa thống nhất đến nay đã 20 năm. Đáng ra không có gì to tát, đáng ra không có gì gọi là mâu thuẫn; nếu như vì việc của cả họ mà nhường nhịn, cầu thị gặp nhau thì sự việc đã trở nên đơn giản. Nếu như không có những hoạt động mang nặng tính bảo thủ, hiếu thắng bài xích nhau thì việc đoàn kết vui vẻ và nhớ đến Tổ tiên không đến nỗi gián đoạn như hai chục năm vừa qua; việc không đáng có, không đáng xẩy ra, trái với đạo đức truyền thống mà Tổ tiên, ông cha để lại.
                   Kết quả một năm tìm tòi, thu thập, nghiên cứu, phân tích và những bức xúc dồn nén nhiều năm trước, Thường trực Ban Nghiên cứu và chắp nối phả của họ lập thông báo này, coi như kết thúc bước 1 nhiệm vụ mà toàn họ giao cho.
                   Tình hình, dữ kiện liên quan đến một số vấn đề chưa thống nhất trong họ về thế thứ, Thường trực đã tóm tắt nêu lên ở trên. Có thể chưa thật hoàn chỉnh, nhưng về cơ bản là đúng sự thật.
                   Trích dẫn nói rằng phả của Tổ tiên để lại là có phần lạm dụng, bởi lẽ:
                      Phả của Tổ tiên để lại chỉ có 2 quyển, đó là:
1.      Phả 1740 chỉ viết đến đời thứ 7.
2.      Phả 1817 chỉ viết đến đời thứ 10.
                   Sự xếp thế thứ từ đời thứ nhất đến đời thứ 10 trong toàn họ là thống nhất giữa các chi, không ai thắc mắc gì. Phát sinh không thống nhất là từ đời thứ 11 do kê tên mỗi phả mỗi khác. Sự khác ấy lại do nguyên nhân phải đi dò hỏi, không rõ nên hồ đồ kê vào sinh ra nhầm lẫn.
          3.  Những tài liệu còn lại: phần vì chưa đến tầm là phả của cả họ; phần vì thời gian mới chỉ gần đây thôi, các tác giả phả chưa được lên hàng Tổ tiên. Theo phong tục tế lễ cổ truyền của Việt Nam thì Cụ kỵ thuộc “Ngũ đường” tức là 5 đời trở lên mới đưa vào hàng Tổ tiên, đời thứ 4 trở xuống vẫn phải cúng giỗ hàng năm.
                   Vì một họ Mai có học và văn hiến, làng Cao Lãm xưa đã có 99 vị đỗ đạt thời Lê Trung hưng, thì họ Mai Chúng ta đã có đến trên ba chục người, chiếm 30% trong số đó, góp phần không nhỏ vào việc làm nên kỳ tích: “Làng khoa bảng”. Họ Mai chẳng những ở nội hương mà các Chi thuộc họ Mai gốc Cao Lãm ở ngoại hương ngày nay lớn mạnh, ngày nay trở thành một lực lượng đông đảo lên tới hàng nghìn gia đình.
                   Hơn lúc nào hết, toàn thể các thành viên trong họ Mai, dù đang sinh sống tại đâu, làm nghề gì, còn những vấn đề gì chưa thật thông cảm với nhau hãy vì truyền thống của cả họ, hãy vì thế hệ hôm nay và mai sau; hãy thiết thực tỏ lòng tri ân Tổ tiên mà bỏ qua hiềm khích “khép lại quá khứ”, cùng nhau kính cẩn chiêm bái Tổ; Hãy thông cảm, nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau tiếp tục bàn thảo đi đến thống nhất cao trong toàn họ về những vấn đề còn tồn tại nếu có.
                   Thực hiện NQ của họ và chương trình làm việc của Ban Nghiên cứu & chắp nối phả, các Chi trong họ dù ở nội hay ngoại hương hãy khẩn trương hoàn tất phả đồ của Chi mình, tiến tới xây dựng một phả đồ chung cho cả họ Mai.
                   Tập thể, cá nhân nào trong họ có phát hiện hoặc ý kiến góp ý gì với Ban Nghiên cứ & chắp nối phả có thể bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp với Trưởng ban Mai Lượng, ĐT 0433.899.281, Mai Xuân Chức ĐT  0433.899.004,  DĐ  0943.375.212, hoặc Mai Tân ĐT   0466.624.404.





Nơi nhận:

         - Tất cả các thành viên trong họ;
         - Lưu: Ban NC & CNP.

BAN NGHIÊN CỨU CHẮP NỐI PHẢ HỌ MAI
TRƯỞNG BAN




MAI LƯỢNG